Giỏ hàng

Yên Bái lên phương án phòng chống rét cho gieo cấy vụ đông xuân

Đăng bởi Nongduocbosix ngày bình luận

Vụ đông xuân 2023, tỉnh Yên Bái dự kiến gieo cấy 18.970ha. Công tác phòng chống rét đậm, rét hại cho mạ non và lúa khi gieo cấy được chú trọng lên kịch bản.

Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cho biết: Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch gieo cấy vụ đông xuân 2023 với diện tích 18.970ha, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn có những kế hoạch cụ thể, đảm bảo an toàn trong công tác gieo cấy, có biện pháp phòng chống rét thích hợp.

Người dân đang tập trung gieo cấy trà sớm vụ xuân 2023. Ảnh: Tuấn Anh.
Người dân đang tập trung gieo cấy trà sớm vụ xuân 2023. Ảnh: Tuấn Anh.

Năm 2023, Tết Đại hàn vào ngày 21/1/2023, tức ngày 30/12/2022 âm lịch, đây là giai đoạn dự báo có tần suất rét đậm, rét hại cao nhất trong năm. Lập xuân vào ngày 4/2/2023, tức ngày 14/1/2023 âm lịch, sau Tết Nguyên đán. Nắm bắt được quy luật của thời tiết, các địa phương trên địa bàn tỉnh có kế hoạch triển khai phù hợp, hiệu quả, chủ động trong phòng chống những khó khăn do điều kiện thời tiết, đảm bảo kế hoạch gieo cấy vụ xuân 2023.

Các địa phương có kế hoạch, phương án cụ thể gắn với sinh trưởng phát triển từng loại giống, điều kiện thực tế để bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp theo nguyên tắc đảm bảo lúa phân hóa đòng và trổ bông gặp thời tiết thuận lợi để cho năng suất cao nhất.

Đối với các huyện, thị xã, thành phố có thời vụ cấy sau Tết Nguyên đán, cần đẩy nhanh tiến độ làm đất, gieo mạ, cấy. Tập trung cấy lúa trong tháng 2 dương lịch, tốt nhất là cấy sau Tiết Lập xuân. Các địa phương cần chủ động gieo mạ dự phòng với tỷ lệ 5 – 10% bằng các giống có thời gian sinh trưởng ngắn để ứng phó kịp thời nếu gặp điều kiện thời tiết xấu, rét đậm, rét hại kéo dài. Đảm bảo tránh rét Nàng Bân khi lúa trỗ bông, tránh lụt tiểu mãn ở vùng thấp khi thu hoạch.

Tháo nilon luyện mạ trước khi cấy cho cây mạ thích ứng với thời tiết. Ảnh: Tuấn Anh.
Tháo nilon luyện mạ trước khi cấy cho cây mạ thích ứng với thời tiết. Ảnh: Tuấn Anh.

Các huyện có thời vụ gieo cấy trà 1 trước Tết Nguyên đán cần sử dụng kỹ thuật làm mạ dày xúc có mái che nilon và có lớp bùn dày chống rét. Cần lưu ý, trước khi cấy cần tháo nilon luyện mạ trước cấy 2 – 3 ngày cho cây mạ thích ứng dần với điều kiện thời tiết.

Bên cạnh nắm bắt sát khung lịch thời vụ, cần chủ động chọn những giống lúa phù hợp. Giống lúa lai chiếm 55 – 60% diện tích đất gieo cấy; giống lúa thuần chiếm 40 – 45%, trên cơ sở là các giống tiến bộ kỹ thuật có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái các vùng.

Ông Nguyến Anh Tuấn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trạm Tấu (Yên Bái) cho biết: Vụ đông xuân năm 2023, huyện Trạm Tấu thực hiện kế hoạch gieo cấy 1.572ha. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã làm xong 72% diện tích đất và gieo được 35% diện tích mạ. Thời gian tới, huyện tiếp tục vận động người dân đẩy nhanh tiến độ làm đất, xuống giống để đảm bảo gieo cấy đúng khung lịch thời vụ và hoàn thành kế hoạch đã đề ra.

Để đảm bảo trong công tác phòng chống rét, đảm bảo sản xuất đúng thời vụ, Phòng NN-PTNT huyện Trạm Tấu đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân từ công tác chọn giống, ngâm ủ và xuống giống sao cho kịp thời vụ. Cử cán bộ khuyến nông cơ sở xuống địa bàn hỗ trợ người dân trong cách che phủ nilon, tận dụng tro bếp để rắc lên luống giữ ấm cho mạ non…

Che phủ nilon giữ ấm cho mạ. Ảnh: Tuấn Anh.
Che phủ nilon giữ ấm cho mạ. Ảnh: Tuấn Anh.

Đối với huyện Mù Cang Chải, để tích hợp đa giá trị giữa sản xuất nông nghiệp với các hoạt động du lịch tại các địa phương, Sở NN-PTNT Yên Bái đã phối hợp với huyện Mù Cang Chải tập trung chỉ đạo thời vụ gieo cấy và cơ cấu giống lúa vụ xuân 2023 sát sao về thời vụ cho từng giống, từng trà lúa xuyên suốt từ vụ xuân sang vụ mùa về làm đất, đổ nước, gieo mạ, cấy để đảm bảo các giống lúa, trà lúa sinh trưởng, phát triển thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu, cho năng suất cao. Điểm cơ bản lúa trỗ, chín cùng thời gian tổ chức các mùa lễ hội, áp dụng các biện pháp canh tác, chăm sóc để kéo dài thời gian lúa chín, thời gian lưu hạt trên bông lâu…, với mục tiêu phát triển sản xuất gắn với lễ hội du lịch mùa vàng tại huyện Mù Cang Chải.

Để tránh rét cho lúa xuân, ngành nông nghiệp Yên Bái khuyến cáo các địa phương hạn chế tối đa gieo cấy trà xuân sớm, tập trung gieo cấy trà chính vụ và mở rộng tối đa trà xuân muộn, không gieo mạ, cấy lúa những ngày trời rét đậm, rét hại, nhiệt độ dưới 13 độ C. 100% diện tích mạ được che phủ bằng nilon để chống rét và hạn chế nhiễm bệnh vàng xoắn lá, lùn sọc đen hại lúa.

Một số giống lúa lai chủ lực được khuyến cáo đưa vào cơ cấu sản xuất như Nhị ưu 838, Thụy Hương 308, Nghi Hương 305…; lúa thuần tập trung vào các giống Hương Chiêm, Thiên Ưu 8, HT1, ST25… Để ứng phó với những khó khăn của thời tiết, các địa phương cần tuân thủ, chấp hành nghiêm khung lịch thời vụ của tỉnh và cơ cấu giống lúa của từng địa phương…

Theo: Nông Nghiệp Việt Nam


Cũ hơn Mới hơn