Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) Nguyễn Ngọc Giao, chưa bao giờ người dân lại có phong trào chuyển sang sử dụng phân hữu cơ mạnh mẽ như hiện nay. Đây chính là thời điểm vàng chuyển đổi sản xuất, tạo bước đột phá cho ngành nông nghiệp.
2: Thời cơ chuyển đổi sản xuất
Hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ bền vững, tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng cao, có giá trị, an toàn đối với sức khỏe con người và bảo vệ môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đăng ký lên 30%, tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đạt 20%; đến năm 2030 tăng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón lên 30%. Thời gian đến đích không còn xa, để đạt được mục tiêu, ngành nông nghiệp phải vượt qua nhiều trở ngại.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cư M’gar (Đắk Lắk) Nguyễn Ngọc Giao, chưa bao giờ người dân lại có phong trào chuyển sang sử dụng phân hữu cơ mạnh mẽ như hiện nay. Đây chính là thời điểm vàng chuyển đổi sản xuất, tạo bước đột phá cho ngành nông nghiệp.
Còn nhiều nút thắt
Cũng giống như người dân ở Cư M’gar, nhiều địa phương khác trên cả nước đang chuyển đổi mạnh mẽ từ sử dụng phân bón vô cơ sang phân bón hữu cơ. Bên cạnh việc mua phân hữu cơ công nghiệp, người dân cũng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp để tự sản xuất.
Theo thống kê từ các địa phương và doanh nghiệp, năm 2020 cả nước sử dụng 19,51 triệu tấn phân bón hữu cơ, trong đó 2,63 triệu tấn sản xuất công nghiệp và 16,88 triệu tấn nông hộ tự sản xuất.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, mỗi năm cả nước có khoảng 200 triệu tấn chất thải hữu cơ từ sản xuất chăn nuôi, trồng trọt, thủy sản, rác thải sinh hoạt, công nghiệp chế biến… Trong đó, sản xuất chăn nuôi tạo ra khoảng 85 triệu tấn chất thải rắn; sản xuất trồng trọt hằng năm tạo ra hơn 65 triệu tấn phụ phẩm.
Mặc dù có nguồn nguyên liệu rất lớn nhưng việc phát triển phân hữu cơ hiện nay chưa tương xứng với tiềm năng. Nguyên nhân chủ yếu là do áp lực thâm canh tăng năng suất của nhà nông cũng như tính tiện lợi, gọn nhẹ, tác động nhanh đến cây trồng của phân bón vô cơ. Trong khi đó, sản xuất phân hữu cơ mất khá nhiều thời gian từ thu gom, xử lý và chờ đợi nguyên liệu phân hủy, tác động vào cây trồng chậm, khối lượng lớn. Đối với các mặt hàng phân hữu cơ công nghiệp, chủng loại hiện nay còn ít, giá bán cao cho nên người dân còn e ngại khi sử dụng.
Chi Cục trưởng Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk Lê Văn Thành cho rằng, công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ nhìn chung vẫn còn thô sơ, chưa đồng bộ. Dây chuyền máy thiết bị giản đơn, tính tự động hóa chưa cao, hầu hết mới chỉ dừng ở việc sử dụng một số vi sinh vật phổ biến để ủ nguyên liệu hữu cơ hoặc bổ sung một số chất sinh học, chất điều hòa sinh trưởng cơ bản dẫn đến hiệu quả thấp. Các chương trình khuyến nông để giới thiệu, đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ chưa được quan tâm đúng mức. Đến nay, chưa có chương trình cụ thể nào của Nhà nước hỗ trợ người dân sử dụng phân bón hữu cơ.
Giống như phân bón hữu cơ, lĩnh vực sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học cũng còn nhiều gian nan ở phía trước. Tỷ lệ sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật sinh học vào sản xuất chưa cao, nguyên nhân chủ yếu do sản xuất nông nghiệp ở nước ta còn manh mún, chi phí sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học cao hơn thuốc bảo vệ thực vật hóa học khoảng 30%. Trang thiết bị nghiên cứu phát triển thuốc bảo vệ thực vật sinh học lạc hậu, thiếu đồng bộ, chất lượng thuốc cũng như chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học do Việt Nam sản xuất chưa cao, có thời gian bảo quản ngắn và khó bảo quản.
Hiện nay, Nhà nước đã có chính sách khuyến khích trong đăng ký, nghiên cứu phát triển và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhưng còn thiếu chính sách hỗ trợ người dân sử dụng, doanh nghiệp nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh sản phẩm này. Bên cạnh đó, các chính sách miễn, giảm thuế xuất nhập khẩu cho các thuốc bảo vệ thực vật sinh học chưa có quy định cụ thể. Do đó, không khuyến khích được doanh nghiệp, người dân.
Cần một cú huých tạo động lực
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam Nguyễn Văn Sơn cho rằng, để thúc đẩy thuốc bảo vệ thực vật sinh học phát triển, tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này, cần thiết phải có một cú huých. Nhà nước cần xem xét giảm thuế nhập khẩu về mức 0% đối với thuốc bảo vệ thực vật sinh học cũng như dây chuyền công nghệ sản xuất. Cần có chính sách hỗ trợ giá cho nông dân trong việc sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật sinh học với mức hỗ trợ từ 30% đến 40% như nhiều quốc gia hiện đang áp dụng. Trong đó, tập trung vào các cây trồng có giá trị kinh tế cao, yêu cầu điều kiện về an toàn thực phẩm để phục vụ cho xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng trong nước. Bên cạnh đó, cần rà soát, đề xuất hoàn thiện các quy định pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký các thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đơn giản hóa các quy định trong đăng ký như rút ngắn quy trình cấp giấy phép khảo nghiệm, giảm chi phí đối với các việc xin cấp giấy phép khảo nghiệm, giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam Phùng Hà, cơ quan chức năng cần có cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ tối đa cho phát triển phân bón hữu cơ. Nghiên cứu, chuyển giao các sản phẩm phân bón hữu cơ mới đáp ứng được các tiêu chí hiệu quả cao, tác dụng nhanh, thân thiện với môi trường, cải tạo và bảo vệ tài nguyên đất. Phối hợp với các doanh nghiệp tham gia thực hiện mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, các doanh nghiệp tham gia chuỗi liên kết. Thực hiện hợp tác công tư (PPP) và xây dựng chuỗi liên kết theo hướng tăng cường hợp tác với sự tham gia của doanh nghiệp, nhà nước và người dân phối hợp sử dụng phân bón hữu cơ trong sản xuất. Sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản, mở rộng quy mô sản xuất, hỗ trợ tích cực cho nông dân về vốn, kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp sạch, gia tăng giá trị nông sản và lợi ích.
Ngành nông nghiệp cần tăng cường hơn nữa giải pháp hỗ trợ phát triển, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và phân bón hữu cơ. Thời điểm này, nếu như có cơ chế hỗ trợ giá, cũng như đẩy mạnh việc phát triển sản xuất phân hữu cơ trong nông hộ, chắc chắn sẽ tạo được động lực lớn để người dân chuyển đổi sang sử dụng sản phẩm này. Cùng với đó, phối hợp các địa phương khuyến khích, hỗ trợ nông dân tự sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ từ nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước, giảm dần sự lệ thuộc phân bón vô cơ. Tăng cường hợp tác công tư với sự tham gia của doanh nghiệp, nhà nước, hiệp hội ngành hàng và người dân cùng phối hợp thực hiện sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, sử dụng phân bón tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp.
Tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học và phân bón hữu cơ
MINH HUỆ (Nhân Dân)