Tiêu chuẩn cơ sở quy định nguyên tắc, nội dung, phương pháp đánh giá hiệu lực sinh học, xác định thời gian cách ly của các thuốc BVTV được phun, rải bằng thiết bị UAV…
Ngày 17/1, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã công bố tiêu chuẩn cơ sở về khảo nghiệm trên đồng ruộng thuốc BVTV phòng, chống sinh vật gây hại cây trồng bằng thiết bị bay không người lái (UAV/Drone).
Chỉ được sử dụng UAV trong phạm vi được cấp phép
Tiêu chuẩn cơ sở này quy định nguyên tắc, nội dung, phương pháp để đánh giá hiệu lực sinh học, xác định thời gian cách ly của các thuốc BVTV được phun, rải bằng thiết bị UAV trên đồng ruộng và các yêu cầu cơ bản về an toàn vận hành thiết bị UAV.
Tiêu chuẩn áp dụng cho thiết bị UAV dùng mục đích phòng, chống sinh vật gây hại thực vật, điều hòa sinh trưởng thực vật hoặc côn trùng, làm tăng độ an toàn, hiệu quả khi sử dụng thuốc BVTV trong nông nghiệp.
Tiêu chuẩn nêu rõ, về yêu cầu an toàn khi sử dụng UAV phun thuốc BVTV trên đồng ruộng: Tổ chức, cá nhân cung cấp và vận hành UAV được cấp phép sử dụng thiết bị bay theo quy định; được tập huấn sử dụng an toàn thuốc BVTV. Địa điểm và thời gian sử dụng UAV phải được sự cho phép của cơ quan quản lý và đáp ứng các quy định về sử dụng phương tiện bay không người lái hiện hành.
Trang bị các thiết bị bảo hộ lao động, hộp sơ cứu y tế cho người vận hành UAV theo quy định, đảm bảo an toàn trong quá trình xử lý thuốc.
Bên cạnh đó, thiết bị UAV phải đảm bảo an toàn, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật trong quá trình sử dụng. Khi sử dụng thuốc BVTV bằng UAV không để thuốc tạt sang các khu vực khác, đảm bảo an toàn cho con người, vật nuôi và môi trường trong quá trình sử dụng thuốc BVTV. Bao gói thuốc BVTV sau sử dụng được thu gom theo đúng quy định.
Về yêu cầu đối với sinh vật gây hại và cây trồng, điều kiện khảo nghiệm: Khảo nghiệm được bố trí tại thời điểm thuận lợi cho sinh vật gây hại cần khảo nghiệm sinh trưởng, phát triển và trên các cây trồng đại diện cho vùng sản xuất.
Điều kiện trồng trọt (đất, phân bón, giống cây trồng, mật độ) phải đồng đều trên toàn khu khảo nghiệm và phù hợp với tập quán canh tác tại địa phương. Trong thời gian khảo nghiệm, không được dùng bất kỳ loại thuốc BVTV trên khu khảo nghiệm (bao gồm các công thức và dải phân cách).
Trường hợp bắt buộc phải sử dụng thuốc để trừ các sinh vật gây hại khác thì thuốc được dùng phải không làm ảnh hưởng đến thuốc cần khảo nghiệm, đến đối tượng sinh vật gây hại và phải được phun rải đều trên tất cả các ô khảo nghiệm, kể cả ô đối chứng (nếu có, phải được ghi chép lại). Khi xử lý thuốc không để thuốc ở ô khảo nghiệm này tạt sang ô k hảo nghiệm khác.
Đối với khảo nghiệm PHI: tối thiểu 20 ngày trước khi tiến hành khảo nghiệm, khu khảo nghiệm phải đảm bảo không xử lý thuốc có cùng hoạt chất hoặc hoạt chất có thể ảnh hưởng đến dư lượng của thuốc khảo nghiệm.
Về yêu cầu với UAV, thiết bị UAV được sử dụng mục đích phun, rải thuốc BVTV là các thiết bị phải có đặc tính (thông số) kỹ thuật, hướng dẫn vận hành rõ ràng của nhà sản xuất và đã được cấp phép dùng là thiết bị bay để phun thuốc BVTV.
Thiết bị đầu phun (béc phun) của UAV phù hợp với loại thuốc BVTV, giai đoạn sinh trưởng của cây trồng và sinh vật gây hại cần khảo nghiệm.
Thông số kỹ thuật cơ bản của các UAV sử dụng trong cùng loại thuốc khảo nghiệm phải tương đương với nhau về số lượng đầu phun, kích cỡ hạt phun và áp lực phun.
Về yêu cầu với thiết bị và dụng cụ khảo nghiệm, ngoài các phương tiện, thiết bị khảo nghiệm thuốc BVTV theo quy định, khảo nghiệm thuốc BVTV bằng UAV yêu cầu có các thiết bị, dụng cụ tối thiểu sau:
Máy đo tốc độ gió, máy đo nhiệt độ, ẩm độ không khí, máy định vị, đồng hồ bấm giờ; các dụng cụ để cân, đong, đo, pha thuốc BVTV; thùng đựng mẫu, đá bảo quản (dùng cho khảo nghiệm PHI); các thiết bị, dụng cụ dùng trong bố trí khảo nghiệm và điều tra sinh vật gây hại cần khảo nghiệm.
Về các lưu ý khác khi tiến hành xử lý thuốc bảo vệ thực vật bằng UAV: Xử lý thuốc khi tốc độ gió không quá 6m/giây (tốc độ tối thích khoảng 3m/giây). Không xử lý thuốc khi trời sắp mưa; hướng gió thay đổi liên tục; độ ẩm không khí thấp hơn 50%; nhiệt độ không khí cao quá 35°C.
Độ cao giữa thiết bị bay với cây trồng phải đảm bảo đồng đều và tuân thủ theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Lượng nước thuốc sử dụng và độ rộng của đường bay UAV cần được hiệu chỉnh và xác định trước khi bắt đầu xử lý thuốc. Không tự ý thay đổi độ rộng đường bay dẫn đến phun sót hoặc bị phun chồng thuốc trong quá trình xử lý.
Đặc biệt, chỉ được sử dụng UAV trong phạm vi được cấp phép. Khu vực tiến hành xử lý UAV phải có biển cảnh báo và chỉ dẫn an toàn.
Nắm rõ diện tích ô khảo nghiệm và số lần nhắc lại
Tiêu chuẩn cơ sở cũng quy định rõ diện tích ô khảo nghiệm và số lần nhắc lại. Theo đó, đối với khảo nghiệm hiệu lực sinh học: khi tiến hành khảo nghiệm diện hẹp, diện tích ô khảo nghiệm tối thiểu 150 m2 đối với nhóm cây lượng thực, rau, hoa, cây cảnh, cây dược liệu, cây công nghiệp ngắn ngày, chè, cây ăn quả dạng thân leo và thân bò.
Diện tích ô khảo nghiệm tối thiểu 15 cây (nọc, trụ, chậu) đối với nhóm cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp dài ngày, cây thân gỗ lớn (mật độ trồng nhỏ hơn 1.000 cây/ha).
Số lần nhắc lại tối thiểu là 3 lần. Các ô khảo nghiệm được bố trí đảm bảo đáp ứng yêu cầu kỹ thuật thiết kế khảo nghiệm đồng ruộng và phải đảm bảo tối thiểu 3 đường bay của thiết bị UAV.
Khi tiến hành khảo nghiệm diện rộng: diện tích ô khảo nghiệm tối thiểu 300 m2 đối với nhóm cây lương thực, cây rau, cây hoa, cây được liệu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây chè, cây ăn quả dạng thân leo và thân bò
Diện tích ô khảo nghiệm tối thiểu 30 cây (nọc, trụ, châu) đối với nhóm cây ăn quả, cây lâm nghiệp, cây công nghiệp dài ngày, cây thân gỗ lớn (mật độ trồng nhỏ hơn 1.000 cây/ha)
Khảo nghiệm diện rộng không nhắc lại. Các ô khảo nghiệm được bố trí theo kiểu tuần tự hoặc ngẫu nhiên và đảm bảo tối thiểu 5 đường bay của thiết bị UAV.
Giữa các công thức khảo nghiệm phải có dải phân cách tối thiểu rộng 3 m hoặc 1 hàng cây (với cây thần gỗ lớn) hoặc phải có biện pháp che chắn để đảm bảo khi phun, thuốc không bị tạt từ công thức này sang công thức khác.
Đối với khảo nghiệm xác định PHI: Khảo nghiệm diện rộng, không lặp lại, diện tích của mỗi ô khảo nghiệm phải đảm bảo có đủ tổng lượng mẫu thí nghiệm thu thập tại mỗi thời điểm lấy mẫu. Diện tích ô khảo nghiệm tối thiểu 30 cây đối với cây ăn quả lâu năm. Diện tích ô khảo nghiệm tối thiếu 300 m2 đối với cây rau, cây chè, cây ăn quả dạng thân leo và thân bò.
Các ô khảo nghiệm được bố trí theo kiểu tuần tự hoặc ngẫu nhiên và đảm bảo tối thiểu 5 đường bay của thiết bị UAV. Giữa các ô khảo nghiệm phải có dải phân cách tối thiểu là 3 m đối với cây rau, cây chè, cây ăn quả dạng thân leo, thần bỏ hoặc 1 hàng cây đối với cây ăn quả lâu năm…
Ngoài ra, tiêu chuẩn cũng quy định các nội dung liên quan tới công thức khảo nghiệm; tiến hành xử lý thuốc; chỉ tiêu theo dõi của thuốc khảo nghiệm; thời điểm và số lần điều tra lấy mẫu; tính toán kết quả hiệu lực của thuốc, căn cứ xác định PHI; xử lý số liệu khảo nghiệm hiệu lực sinh học; đánh giá tác động của thuốc đến cây trồng; quan sát và ghi chép về thời tiết; báo cáo kết quả khảo nghiệm…
Theo: Nông Nghiệp Việt Nam